Cổ phiếu nhóm Ngân hàng thu hút dòng tiền khi VNindex về lại đỉnh cũ tuần trước đó.
05/07/2023 | 16:03
View: 5001
Chỉ số VNindex duy trì phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp đóng cửa duy trì trên mức 1130 điểm, dòng tiền đã có sự lan toả đều trên nhiều nhóm ngành, như vậy đà tăng dự kiến tiếp tục với việc chỉ số Vnindex sẽ sớm kiểm định kháng cự quan trọng 1150 điểm. Nhóm cổ phiếu trụ và ngân hàng là tâm điểm trong các phiên giao dịch tiếp theo để dẫn dắt đà tăng của chỉ số.
VNINDEX chốt phiên 1,134.62 (+2.62, +0.2%), tổng giá trị giao dịch đạt 15,276.75 tỷ đồng, tăng 18% so với phiên hôm qua. VN30 1,129.76 (+1.76, +0.2%), tổng giá trị giao dịch đạt 5,753.12 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng gồm VCB +2%, BID và CTG tăng nhẹ, trong khi VIB +1,5% và các cổ phiếu NH khác giao dịch trái chiều.
Khác với hôm qua, cổ phiếu dòng chứng khoán bao gồm VND, VCI, SSI, HCM đều giảm 1%, trong khi MBS tăng 6% sau đó đóng cửa ở mức tăng 2,5%.
Dòng bất động sản nổi bật với PDR +2% và VRE +1%, NLG +2% và KDH +1% trong khi VHM và NVL giảm 1%. KCN chứng kiến PHR +2.3% do thông tin tích cực về dự án VSIP 3 giai đoạn 2 đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000.
Các ngành nhỏ hơn nổi bật như hóa chất: DGC +3%, BFC +5%, bán lẻ: FRT +3%, DGW +2% và nông nghiệp: DBC +2%, SBT và QNS đều +1,5%.
Nhóm thép nhận được dòng vốn mạnh từ khối ngoại giúp HPG tăng +2.7%, thúc đẩy đáng kể tâm lý nhà đầu tư trong phiên chiều. NKG và HSG theo sau đều +1%.
Cổ phiếu dầu khí cho thấy sự phân hóa trong phiên hôm nay giữa các nhà phân phối xăng dầu sau khi Bộ Tài chính điều chỉnh công thức tính thuế nhập khẩu, một số công ty được hưởng lợi về biên lợi nhuận như: PLX và OIL tăng 1% trong khi PVD PVS giảm 2% do lực bán chốt lời của NĐT.
Trong phiên Khối ngoại mua ròng: +294tỷđồng.
Video livestream cập nhật dòng tiền ngày 12h10 hàng ngày trên Youtube
*Khuyến nghị trading phục thuộc nhiều vào diễn biến thị trường trong phiên, anh chị tham gia group tư vấn của Faviz để được hỗ trợ trực tiếp.
Tin tức quốc tế:
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh khi các chỉ số tiếp tục chạm đỉnh cũ lần thứ 2. Chỉ số Dow Jones giảm -129.83 đương đương -0.38% xuống 34,288.64; chỉ số S&P 500 giảm -8.77 tương đương -0.20% xuống 4,446.82; chỉ số Nasdaq Composite giảm -25.12 tương đương -0.18% xuống 13,791.65.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch 5/7 sau khi dữ liệu hoạt động dịch vụ tại một số quốc gia được công bố. Chứng khoán Nhật Bản nối dài đà giảm với chỉ số Nikkei 225 giảm 0,25% xuống 33,338,7 điểm; chỉ số Topix giảm 0,015% xuống 2.306,03 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,69% trong khi chỉ số Shenzhen Component cũng giảm 0,91%. Cùng chung diễn biến tiêu cực, các chỉ số S&P/ASX 200 (Australia), Kospi (Hàn Quốc), Hang Seng (Hong Kong) giảm lần lượt 0,35%; 0,55% và 1,57%.
Lạm phát lõi (không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm tươi sống) tại Thái Lan suy yếu tháng thứ sáu liên tiếp xuống còn 1,32% trong tháng 6, thấp hơn mức tăng 1,55% của tháng trước đó đồng thời nằm dưới dự báo 1,4% của giới chuyên gia. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,23% trong cùng giai đoạn, tiếp tục thấp hơn mức tăng 0,53% vào tháng 5 nhưng cao hơn kỳ vọng 0,1%.
Ở một diễn biến khác, lạm phát toàn phần tại Philippines cũng có tháng giảm thứ năm liên tiếp xuống 5,4% trong tháng 5, thấp hơn dự báo 5,5%. Trong cùng tháng đó, lạm phát lõi tại quốc đảo này cũng suy yếu từ 7,7% trong tháng 5 xuống còn 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc nằm trong xu hướng tăng tháng thứ sáu liên tiếp, theo kết quả khảo sát của Caixin/S&P Global. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin lĩnh vực dịch vụ tại nền kinh tế số hai thế giới đạt 53,9 điểm trong tháng 6, tiếp tục cao hơn mốc trung lập 50 điểm nhưng thấp hơn mức điểm 57,1 ghi nhận một tháng trước đó. “Hoạt động kinh doanh và số lượng đơn hàng mới tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với tháng 5 với một số doanh nghiệp ghi nhận nhu cầu yếu hơn so với kỳ vọng”, theo nội dung kết quả khảo sát.
Tại Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng mang tín hiệu tích cực. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Au Jibun Bank, chỉ số PMI dịch vụ giảm từ mức cao kỷ lục 55,9 điểm trong tháng 5 xuống còn 54 điểm trong tháng 6 nhưng vẫn cao hơn mốc trung lập 50 điểm. “Lĩnh vực dịch vụ tại xứ sở mặt trời mọc tiếp tục phản ánh sức mạnh nhu cầu thị trường”, Usamah Bhatti, Chuyên gia kinh tế tới từ S&P Global Market Intelligence, chia sẻ.
Giá nhà tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) giảm quý thứ hai liên tiếp, hệ quả từ xu hướng tăng lãi suất cho vay thế chấp thời gian qua. Cụ thể, giá nhà trong khối giảm 0,9% trong quý I/2023 sau khi ghi nhận mức giảm 1,7% vào quý liền kề trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số này lại tăng 0,3%. Đức và Thụy Điển là hai quốc gia có giá nhà giảm mạnh nhất với lần lượt 6,8% và 6,9% so với quý I/2022.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Eurozone sụt giảm lần đầu tiên sau 3 năm, tín hiệu cho thấy áp lực giá cả đang dần suy giảm. Cụ thể, chỉ số này giảm 1,5% trong tháng 5 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Đà giảm giá năng lượng góp phần lớn vào diễn biến chỉ số PPI thời gian qua. Đây được coi là chỉ số dự báo sớm chỉ số giá tiêu dùng, với mức tăng 5,5% ghi nhận trong tháng 6.
️Bên cạnh đó, kỳ vọng lạm phát của người dân Eurozone cũng sụt giảm trong tháng 5 xuống ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Cụ thể, dự báo lạm phát trong 12 tháng tới giảm từ 4,1% xuống 3,9%, thấp nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của cơ quan này.
Kim ngạch thương mại toàn cầu gia tăng trong tháng 6 nhờ vào giá trị xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục của Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số này tăng 0,5% so với tháng 5, theo dữ liệu từ Kiel Trade Indicator. Mức tăng 3,5% kim ngạch xuất khẩu và 3,7% kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giúp lấn át đà sụt giảm tại Đức và Liên minh châu Âu (EU). Kể từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc liên tục đi lên, dù thấp hơn so với năm ngoái. Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu hàng hóa của nền kinh tế số hai thế giới đạt 315 tỷ USD, quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt mốc 300 tỷ USD.