Trước giờ giao dịch: VN-index hồi phục sau khi chạm 1200 điểm
19/09/2023 | 15:51
View: 4427
VNindex hồi phục sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 1200 điểm, hồi phục về mức 1211 điểm với giá trị giao dịch quay trở lại mức trung bình 20k tỷ, dòng tiền tập trung ở nhóm chứng khoán, thép, phân đạm hoá chất, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã vượt đỉnh 52 tuần, như vậy thị trường đang đi vào vùng dao động 1200-1250 với xu hướng chọn lọc cổ phiếu lên ngôi, nhà đầu tư nên tập trung vào doanh nghiệp hơn là xu hướng thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Thị trường giảm mạnh, chạm mốc 1,200 sau đó phục hồi 11 điểm, đóng cửa tại 1,211 điểm nhờ lực cầu mua trong cả phiên chiều. Các giao dịch mua mang tính kỹ thuật chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong khi NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng với tổng giá trị 391 tỷ đồng.
Tâm lý tích cực đối với VinGroup được hỗ trợ phần nào bởi thông tin người nội bộ đăng ký mua 16 triệu cổ phiếu VHM +1%, VIC - 2% và VRE đi ngang. Bên cạnh đó NVL vẫn đóng cửa giảm 5%.
STB +2% nổi bật khi NĐT cá nhân kỳ vọng phiên đấu giá KCN Phong Phú sẽ thành công, phiên đấu giá này không có trong danh sách đấu giá của ngân hàng trong tháng tới.
Ngành dầu khí vẫn duy trì khả năng phục hồi nhờ giá dầu thế giới giữ ở mức cao: PVS +1%, PLX +1%, GAS +1% và PVT +2%.
Nhóm thép nổi bật dẫn đầu bởi HSG +6%, NKG +5% và HPG +2% trong điều kiện tâm lý thị trường được cải thiện.
Video livestream cập nhật dòng tiền ngày 12h10 hàng ngày trên Youtube
*Khuyến nghị trading phục thuộc nhiều vào diễn biến thị trường trong phiên, anh chị tham gia group tư vấn của Faviz để được hỗ trợ trực tiếp.
Tài chính quốc tế:
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thiết lập đỉnh mới sau hơn một thập kỷ trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang (Fed)
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 106,57 điểm, tương đương 0,31%, xuống 34.517,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,22% xuống 4.443,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,23% xuống 13.678,19 điểm.
Chứng khoán châu Á - Thái BÌnh Dương đồng loạt giảm điểm trước thềm cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,09% trong ngày đầu tiên quay trở lại giao dịch sau nghỉ lễ. Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sau phiên tăng ngày hôm qua với chỉ số Shanghai Composite đi lùi 0,031%, chỉ số Shenzhen Component mất 0,73%. Hòa vào diễn biến tiêu cực, các chỉ số Kospi (Hàn Quốc), S&P/ASX 200 (Australia), Hang Seng (Hong Kong) giảm lần lượt 0,74% và 0,47%. Chứng khoán Hong Kong ngược dòng khu vực với chỉ số Hang Seng có thêm 0,37%.
Tintức:
Theo quan điểm của Ngân hàng Dự trữ Australia, lạm phát tại quốc gia này vẫn cao. Tuy nhiên, các quan chức RBA vẫn thống nhất giữ lãi suất điều hành ở ngưỡng 4,1% trong cuộc họp gần nhất. Trong cuộc họp đó, hai phương án: tăng lãi suất 0,25% và giữ nguyên lãi suất được đưa ra bàn thảo. Phương án thứ hai nhận được nhiều đồng tình hơn với nhận định “các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đang đi đúng hướng”. Cơ quan này đồng thời thừa nhận cần thêm thời gian để đánh giá hết tác động từ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ tháng 5/2022.
Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Fed đã hoàn tất quá trình tăng lãi suất trong năm 2023 bất chấp kết quả bản dự báo sắp được công bố tới đây cho kết quả hoàn toàn ngược lại. “Tính tới tháng 11, chúng tôi đánh giá thị trường lao động sẽ lấy lại trạng tháng cân bằng trong khi lạm phát tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi. Bên cạnh đó, tăng trưởng trong quý IV không quá cao sẽ góp phần thuyết phục các thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang bỏ qua một bước tăng lãi suất tiếp theo”, Jan Hatzius, Kinh tế trưởng Goldman Sachs, chia sẻ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị các ngân hàng trung ương nên ít nhất giữ lãi suất ở ngưỡng hiện tại hoặc tiếp tục nâng lãi suất nhằm sớm hạ gục lạm phát dù xuất hiện ngày càng nhiều những khó khăn đối với nền kinh tế, đi liền với đó là tư tưởng bảo hộ ngày một phổ biến. Cơ quan này khẳng định lạm phát cần cho thấy những tín hiệu suy yếu rõ rệt trước khi các ngân hàng trung ương chuyển sang xu hướng nới lòng. Lời khuyên trên được đưa ra trước thềm một số cuộc họp quan trọng của Fed và Ngân hàng trung ương Anh (BoE).
Theo Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi - Abdulaziz bin Salman, các quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của nước này và Nga không nhằm mục đích “nâng giá” sản phẩm này. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu Brent chạm ngưỡng 95 USD/thùng, cao nhất trong khoảng một năm trở lại đây. “Đó đơn thuần là một quyết định được đưa ra đúng thời điểm, khi chúng tôi có những dữ liệu cần thiết và cảm thấy thoải mái khi thực hiện quyết định đó. Chúng tôi có thể tiếp tục cắt giảm hoặc gia tăng sản lượng, nhưng thông điệp ở đây hết sức rõ ràng rằng chúng tôi không làm điều đó để nâng giá dầu”, ông chia sẻ tại Hội nghị xăng, dầu thế giới tổ chức tại Calgary, Canada.
Giá dầu ô liu vừa thiết lập một kỷ lục hoàn toàn mới khi nguồn cung mặt hàng này tại một số quốc gia sản xuất trọng điểm sụt giảm mạnh do hạn hán. Cụ thể, giá dầu ô liu toàn cầu tăng lên ngưỡng 8.900 USD/tấn trong tháng 9 do “nắng nóng hoành hành” tại khu vực địa trung hải, theo một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Trên thực tế, mức giá trung bình của mặt hàng này trong tháng 8 đã cao hơn tới 130% so với cùng kỳ năm trước, và đà tăng giá “chưa có dấu hiệu dừng lại”, USDA cho biết.
Thêm một công ty phát triển bất động sản của Trung Quốc vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ. Theo đó, Sunac China Holdings xin bảo hộ phá sản theo chương 15, luật Bảo hộ phá sản. Điều luật này được xây dựng nhằm bảo vệ tài sản của các công ty nước ngoài đang trong quá trình tái cấu trúc nợ trên lãnh thổ nền kinh tế số một thế giới. Trước đó, trong ngày 18/9, các chủ nợ của Sunac China Holdings chấp thuận kế hoạch tái cấu trúc khoảng 9 tỷ USD vốn vay. Cách đây khoảng một tháng, Evergrande cũng có hành động tương tự khi quá trình đàm phán tái cấu trúc đối với các chủ nợ dần đi tới hồi kết.