Trước giờ giao dịch: Quá trình tạo đáy ngắn hạn đang hình thành
28/09/2023 | 17:39
View: 3872
VNindex tiếp tục giao dịch hồi phục trong phiên về lại mức 1150 điểm, dòng tiền tập trung ở nhóm năng lượng và vận tải biển, giá trị giao dịch sụt giảm mạnh về mức 15k tỷ, quá trình kết đáy ngắn hạn đang hình thành, Vnidex sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục về kháng cự 1160-1180 điểm, theo đó nhà đầu tư ưu nắm giữ cổ phiếu cơ bản đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.
VNIndex phục hồi gần về mức cơ bản sau khi giảm 15 điểm trong phiên sáng. Thanh khoản giảm 14% xuống 14,489 tỷ đồng do khối ngoại bán ròng mạnh trong buổi sáng khoảng 584 tỷ đồng. Lực mua bắt đáy bắt đầu xuất hiện ở các cổ phiếu năng lượng và logistics.
Ngành ngân hàng chứng kiến CTG chạm giá sàn trong phiên sáng và ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu ngân hàng khác, nhưng cuối phiên CTG đã hồi phục về gần giá tham chiếu. Nhóm ngân hàng tư nhân diễn biến trái chiều với TCB +3% trong khi STB -3%.
Dòng dầu khí đã hút được dòng vốn lớn vào phiên chiều giúp tất cả các mã đóng cửa tại mức cao nhất trong ngày: GAS +3%, PVS +5.6%, BSR +6% và PVD +4%.
NHNN đã phát hành thêm 20 nghìn tỷ đồng tín phiếu trong hôm nay, động thái này tiếp tục giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Video livestream cập nhật dòng tiền ngày 12h10 hàng ngày trên Youtube
*Khuyến nghị trading phục thuộc nhiều vào diễn biến thị trường trong phiên, anh chị tham gia group tư vấn của Faviz để được hỗ trợ trực tiếp.
Tài chính quốc tế:
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ nỗ lực tăng điểm trong phiên giao dịch 28/9 nhằm thu hẹp đà giảm từ đầu tháng.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 116,07 điểm, tương đương 0,35%, lên 33.666,34 điểm. Chỉ số s&P 500 tăng 0,59% lên 4.299,7 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,83% lên 13.201,28 điểm.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương phần lớn giảm điểm trong phiên giao dịch 28/9 sau khi giá dầu và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thiết lập các mức đỉnh mới. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất khu vực với chỉ số Nikkei 225 mất 1,54% xuống 31.872,52 điểm, lần đầu tiên mất mốc 32.000 điểm trong khoảng một tháng trở lại đây. Theo sau đó, chỉ số Hang Seng (Hong Kong) đi lùi 1,36%. Cùng chung diễn biến tiêu cực, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,08% sau khi doanh số bán lẻ tháng 8 tại Australia tăng chậm hơn dự báo. Chứng khoán Trung Quốc ngược dòng với chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1%, chỉ số Shenzhen Component tăng 0,051%. Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Tintức:
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 2,2% của quý I. Lần điều chỉnh số liệu cuối cùng này không có thay đổi so với lần công bố trước đó. Trong quý vừa qua, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ giai đoạn ba tháng đầu năm 2022 với chỉ 0,8%. Trong khi đó, chi tiêu, tiêu dùng cũng suy yếu, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Hiện tại, tín hiệu tích cực vẫn được ghi nhận từ đầu tư tồn kho tư nhân và đầu tư tài sản cố định phi nhà ở. Thông thường, số liệu tăng trưởng của Mỹ thường được công bố trong ba lần.
Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) tăng lãi suất điều hành 0,25%, bước đi khiến không ít chuyên gia kinh tế bất ngờ. Trong thông báo phát đi sau đó, BoT cho biết quyết định trên nhằm mục tiêu giữ lạm phát tại xứ sở chùa Vàng nằm trong ngưỡng 2-3%. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo áp lực lạm phát có thể gia tăng trong thời gian tới nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và từ các áp lực nguồn cung bắt nguồn từ hiện tượng thời tiết El-Nino.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc hội kiến với ông Charles Michel (Chủ tịch Hội đồng châu Âu) và bà Ursula von der Leyen (Chủ tịch Ủy ban châu Âu - EC) vào ngày 20/10 tới nhằm thảo luận một số vấn đề, trong đó có cuộc xung đột Nga - Ukraine và những bất đồng liên quan tới thương mại, đầu tư xanh. Các lãnh đạo sẽ “đẩy mạnh những nỗ lực song phương nhằm tiến tới một nền kinh tế năng lượng xanh. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác trong một số công nghệ quan trọng bao gồm cơ sở hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo, theo nội dung tuyên bố sơ bộ. Lãnh đạo hai bên cũng sẽ tham gia các hoạt động chung nhằm thúc đẩy sức chống đỡ của nền kinh tế.
Lạm phát tiêu dùng tại Tây Ban Nha thấp hơn dự báo trong tháng 9, làm dấy lên hy vọng áp lực giá cả tiếp tục xu hướng giảm tại khu vực đồng tiền chung euro. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại xứ sở bò tót tăng 3,2% trong tháng vừa qua, thấp hơn kỳ vọng tăng 3,3% của giới chuyên gia. Trong khi đó, lạm phát lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) suy yếu từ 6,1% còn 5,8%.
Ở một diễn biến khác, lạm phát tại Đức cũng suy yếu còn 4,3% trong tháng 9, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Con số thực tế thấp hơn dự báo 4,5% của giới chuyên gia. Lạm phát tại Eurozone vì thế được dự báo giảm từ 5,2% trong tháng 8 xuống ngưỡng thấp nhất hai năm 4,5% trong cùng giai đoạn. Số liệu chính thức sẽ được công bố trong ngày 29/9.
Brian Moynihan, Giám đốc điều hành Bank of America, dự báo kinh tế Mỹ sẽ đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” trong năm 2024. “Nhóm chuyên gia của chúng tôi tự tin nước Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái. Điều này trái ngược với nhận định của chính họ cách đây 6 tháng”, ông chia sẻ. Theo ông, chi tiêu, tiêu dùng mạnh là nguyên nhân giúp nền kinh tế đứng vững. Thời gian tới, các hoạt động kinh tế như IPO sẽ nhiều dần lên, ông nhận định.
Tỷ lệ đói nghèo tại Argentina chạm ngưỡng 40,1% trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối diện với một khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Số liệu trên được công bố chỉ bốn tuần trước kỳ bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Kể từ sau đại dịch, có thêm 1,3 triệu người Argentina được liệt vào chuẩn nghèo, tương đương với mức tăng gần 4% từ ngưỡng 36,5% vào nửa đầu năm 2022. Tại nước này, một người được coi là nghèo nếu họ không có đủ tiền để mua được giỏ hàng nhu yếu phẩm tiêu chuẩn.