Cổ phiếu ngân hàng bật tăng trong khi hầu hết nhóm ngành bị chốt lời
18/07/2023 | 19:51
View: 5198
VNindex tăng điểm phiên thứ 8 liên tiếp đóng cửa ở mức 1174 điểm , dòng tiền luân chuyển sang nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp Vnindex trụ vững trước áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu midcap, xu hướng tăng về 1200 điểm tiếp tục được giữ vững, tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý sẽ xuất hiện những phiên rung lắc cường độ cao trước khi chinh phục được mốc kháng cự quan trọng này và ngân hàng là nhóm chính dẫn dắt chỉ số vượt kháng cự.
VNIndex đi ngang, đóng cửa ở mức 1,174.09 điểm (+0.96, +0.08%) với thanh khoản đạt 14,915 tỷ đồng (-10% so với hôm qua). VN30 đóng cửa ở mức 1,166.82 điểm (+2.24, +0.19%), thanh khoản đạt 5,657 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng giao dịch vượt trội với TPB +3,5%, VPB +2%, TCB +1,2%, STB +1,6% và SHB +3% nhờ cổ phiếu này được thêm vào VN30 ETF với khối lượng 22 triệu cổ phiếu. Nhóm NHTM có vốn nhà nước diễn biến trái chiều với BID +1% trong khi VCB giảm 0,5% và CTG đi ngang.
Nhóm bất động sản với NLG +3.5% và HDC +7% trong khi NVL giảm 2% do VN30 sẽ loại ra 8,6 triệu cổ NVL và 2,3 triệu cổ PDR (-1,3%). Các cổ phiếu Vingroup đều giảm điểm.
Dòng hóa chất chứng kiến DCM +2,5% do công ty công bố sẽ trả cổ tức tiền mặt 3.000 đồng cho năm 2022 với lợi suất cổ tức là 10,5%. DPM cũng +1,1%.
Các ngành khác như thép, cao su và bán lẻ đều giảm sâu hơn.
IMP đóng cửa tăng trần sau khi công ty đã công bố kết quả quý 2 khả quan với lợi nhuận thuần tăng 70% so với cùng kỳ.
Trong phiên Khối ngoại mua ròng: +418tỷđồng.
Video livestream cập nhật dòng tiền ngày 12h10 hàng ngày trên Youtube
*Khuyến nghị trading phục thuộc nhiều vào diễn biến thị trường trong phiên, anh chị tham gia group tư vấn của Faviz để được hỗ trợ trực tiếp.
Tài chính quốc tế:
Chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng điểm trong phiên giao dịch 18/7 sau khi một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tốt trong quý vừa qua.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 366,58 điểm, tương đương 1,06%, lên 34.951,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,71% lên 4.554,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,76% lên 14.353,64 điểm. Đây là phiên tăng thứ bảy liên tiếp của chỉ số Dow Jones, dài nhất kể từ tháng 3/2021. Cả ba chỉ số đều lập đỉnh mới kể từ tháng 4/2022.
Hình 2: Chỉ số Nasdaq đã vượt đỉnh mạnh mẽ tại kháng cự Fibonnaci 61.8.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 18/7. Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà giảm trong khu vực với chỉ số Hang Seng giảm 2,05%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,2%. Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp với chỉ số Shanghai Composite mất 0,37% trong khi chỉ số Shenzhen Component đi lùi 0,34%. Cùng chung diễn biến tiêu cực, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,43%. Ở chiều ngược lại, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 0,32% trước thềm nước này công bố nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng.
Sau JPMorgan Chase, Ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ - Bank of America cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo trong quý II. Cụ thể, lợi nhuận của BoA tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7,4 tỷ USD trong khi doanh thu cũng ghi nhận mức tăng hai chữ số (11%) lên 25 tỷ USD.
Trong khi đó, lợi nhuận ròng của Morgan Stanley giảm 13% trong cùng giai đoạn dù doanh thu ghi nhận mức tăng 2% lên 13,5 tỷ USD. Tuy nhiên, mức lợi nhuận mà ngân hàng này thu về vẫn cao hơn dự báo của giới chuyên gia nhờ vào kết quả tích cực tới từ mảng quản lý tài sản. Doanh thu của mảng này tăng 16% lên 6,7 tỷ USD quý vừa qua.
🇺🇸 Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,2% trong tháng 6 so với tháng trước đó, thấp hơn dự báo tăng 0,5% của giới chuyên gia đồng thời nằm dưới mức tăng 0,5% của tháng 5 sau khi đã được điều chỉnh tăng lên từ ngưỡng 0,3%. Tuy không vượt kỳ vọng, số liệu thực tế tiếp tục phản ánh sức mạnh chi tiêu của người dân nước này. “Kinh tế Mỹ tiếp tục tiến về phía trước mà không rơi vào tình trạng quá nóng”, David Russell, Phó Chủ tịch Market Intelligence, chia sẻ. “Giá xăng không còn neo cao nhưng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa khác cũng không quá lớn. Đây có thể coi là thông tin tích cực đối với những nhà đầu tư mang quan ngại về khả năng Fed tiếp tục cần tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 7”, ông nhận định.
🇬🇧 Lạm phát hàng tạp phẩm tại Vương quốc Anh suy yếu tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 7, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Kantar trước thềm số liệu chính thức được công bố. Theo đó, chỉ số này tăng 14,9% trong giai đoạn bốn tuần kết thúc vào ngày 9/7 so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức tăng 16,5% ghi nhận trong giai đoạn trước đó. Đây đồng thời là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2023. Với mức lạm phát hiện tại, mỗi hộ gia đình bình quân chi tiêu 683 bảng Anh nhiều hơn so với cùng giai đoạn của năm 2022.
🇨🇳 Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cam kết “khôi phục và mở rộng” chi tiêu tiêu dùng thông qua một kế hoạch có quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó bao gồm gia tăng thu nhập hộ gia đình, cải thiện môi trường đầu tư và ổn định tỷ lệ tuyển dụng lao động trẻ. Theo Jin Xiandong, một quan chức NDRC, cho biết đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu, xung lực tăng trưởng không cao trong khi niềm tin kinh doanh thấp. “Sức mua của người tiêu dùng và kỳ vọng của họ tương đối thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và môi trường tiêu dùng cần được cải thiện”, ông bổ sung.
Quan ngại tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dần chậm lại trước rủi ro giảm phát ngày một tăng cao sau khi nước này công bố một loạt dữ liệu kinh tế thiếu thuyết phục trong tuần trước. “Trung Quốc đang trên bờ vực giảm phát. Đây là thời điểm chính phủ nước này cần hành động nhằm hạn chế đà sụt giảm giá cả”, Hong Hao, Kinh tế trưởng tại Grow Investment Group, chia sẻ.