Cơ hội đầu tư cổ phiếu CMG - CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC

Cơ hội đầu tư cổ phiếu CMG - CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC

12/01/2023 | 10:53 View: 8744

 

CMG hiện là công ty tư nhân lớn thứ hai trong ngành và là đối tác uy tín cho nhiều dự án CNTT, chuyển đổi số và Viễn thông của Chính phủ và các khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính như Tài chính-Ngân hàng, Sản xuất và Bất động sản.

Lịch sử hình thành:

  • Tập đoàn CMC được thành lập từ năm 1993, với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và lắp ráp máy tính thương hiệu CMC.
  • Đến năm 2007, công ty bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực Viễn thông, an ninh mạng và phân phối thiết bị ICT. Tuy nhiên sau đó, CMC không thực sự thành công với các lĩnh vực lắp ráp máy tính và phân phối ICT khi thị trường dần bão hòa, và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
  • Sau khi thực hiện quá trình tái cấu trúc cho tới năm 2017, CMG mới thực sự tìm kiếm được chiến lược phát triển hợp lý dựa trên ba lĩnh vực cốt lõi là Tích hợp hệ thống (khối giải pháp & công nghệ), Viễn thông, và gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài (Khối kinh doanh quốc tế).

 

Hiện tại, Vị thế trong ngành của các khối kinh doanh chính trong của CMG như sau:

Tích hợp hệ thống: CMG có bề dày kinh nghiệm gần 30 năm trong cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống. Đây là nhóm dịch vụ đóng góp doanh số lớn nhất cho CMG, ước đạt 2.200 tỷ đồng vào năm tài chính 2021 và chiếm lần lượt 65% và 33% doanh thu khối giải pháp công nghệ (T&S) của CMG và doanh thu toàn tập đoàn.

Với mức doanh thu khoảng 3.300 tỷ của khối T&S, CMG chiếm khoảng 22% thị phần của thị trường DV CNTT nội địa, có giá trị khoảng 15 nghìn tỷ đồng theo ước tính của IDC, đứng thứ 2 sau FPT IS (công ty con của FPT) với thị phần ước tính khoảng 40%.
 

Mảng Viễn thông: CMG là một trong bốn doanh nghiệp lớn nhất cung cấp các giải pháp Viễn thông toàn diện cho các doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm dịch vụ kết nối Internet, trung tâm dữ liệu (DC), và là đối tác dịch vụ quản lý điện toán đám mây bên thứ 3 (Cloud MSP). Khối này ghi nhận doanh số khoảng 2 nghìn tỷ đồng trong năm tài chính 2021, thấp hơn khoảng 30% doanh thu của doanh nghiệp đứng thứ ba trong ngành là FTI (công ty thuộc FPT Telecom).

 

Gia công phần mềm: CMG bắt đầu tập trung phát triển dịch vụ gia công phần mềm kể từ 2017 với việc thành lập khối Kinh doanh quốc tế CMC Global. Do quy mô trong giai đoạn đầu còn khá khiêm tốn, khối này ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép bốn năm rất cao ở mức 74%. Hiện CMC đang trong Top 5 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ Xuất khẩu dịch vụ & giải pháp công nghệ. Các thị trường quốc tế chính của CMC bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, APAC.

 

Giáo dục và Nghiên cứu: Vào tháng 2 năm 2022, CMG đã mua lại 66% cổ phần của Đại học Á châu thông qua công ty con sở hữu toàn bộ của mình là CMC Education, sau đó đổi tên trường đại học này thành Đại học CMC. Đại học CMC sẽ bắt đầu tuyển sinh vào năm 2022, định hướng trở thành trường đại học công nghệ với các chuyên ngành mũi nhọn là khoa học máy tính, hệ thống thông tin, điện tử - viễn thông, mục tiêu đến năm 2039 sẽ có 20-30 nghìn sinh viên. 

 

Theo công bố của Vietnam Report, CMG đứng thứ 6 trong bảng danh sách 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam uy tín nhất năm 2021 và là doanh nghiệp tư nhân đứng thứ hai trong danh sách này. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Công nghệ & Giải pháp CMC (CMC TS) đứng thứ hai trong Top 10 Công ty Công nghệ Cung cấp Dịch vụ, Giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2021 của Vietnam Report. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng CMG có vị thế nhất định trong ngành CNTT của Việt Nam để có thể tận dụng nhằm hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

 

Tham vọng tỷ đô với chiến lược “Big moves”:

Năm 2020, CMG bắt đầu hợp tác với McKinsey triển khai hợp tác tư vấn chiến lược và chuyển đổi số cho Tập đoàn với 20 sáng kiến chiến lược “Big moves” cho các dịch vụ CNTT của mình, nhằm hướng tới mục tiêu doanh thu khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025. Doanh thu mục tiêu từ các dịch vụ của ba khối chính của CMG được thể hiện như hình dưới.

Mục tiêu này khá thách thức khi các khối Viễn thông, Công nghệ giải pháp và Kinh doanh quốc tế sẽ lần lượt phải đạt mức CAGR 35%/30%/57% trong giai đoạn 2021-2025. Ngoại trừ khối kinh doanh quốc tế đang tăng trưởng nhanh từ mức nền thấp, tốc độ tăng trưởng kép mục tiêu của khối Viễn thông và Công nghệ giải pháp đang cao hơn rất nhiều so với CAGR ba năm gần nhất là 12% và -1%.
Tuy nhiên CMC cũng đã bắt đầu có những bước chuẩn bị để hiện thực hóa mục tiêu trên, thông qua nhiều hoạt động đầu tư năng lực bao gồm đầu tư về nghiên cứu công nghệ, nguồn nhân lực (mục tiêu 10 nghìn nhân sự vào năm 2025 so với mức 4.580 tại thời điểm cuối năm 2021). Đặc biệt, CMG khá chú trọng tới việc đầu tư hạ tầng Kỹ thuật Viễn thông (đầu tư mở rộng DC tại tòa nhà CMC tại Cầu Giấy, Hà Nội và tại Tân Thuận, TP HCM) và đầu tư xây dựng mới khuôn viên trường đại học CMC, không gian làm việc (dự án CMC Creative Space Đà Nẵng và Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC - CMC Hòa Lạc).

Khối Viễn thông là bộ phận đóng góp lớn nhất về LNTT cho CMG kể từ 2015 cho tới nay. Các pháp nhân chính của khối bao gồm: Công ty con CMC Telecom (CMG sở hữu 55%), và Công ty liên kết Netnam (CMG sở hữu 41%).
CMC Telecom tập trung cung cấp dịch vụ ba nhóm dịch vụ chính: Dịch vụ kết nối Internet, Trung tâm dữ liệu và các dịch vụ Điện toán đám mây. Nhóm dịch vụ kết nối Internet chiếm vai trò chủ đạo, đóng góp 50% về doanh thu, trong khi tỷ lệ đóng góp doanh số của hai nhóm còn lại tương đương nhau ở mức 25%. Do tỷ trọng của nhóm dịch vụ kết nối Internet, vốn chịu sự cạnh tranh gay gắt, còn khá cao nên tỷ suất LNTT của CMC Telecom khá thấp, duy trì quanh mức 11% kể từ 2017 – thời điểm CMG bắt đầu tự chủ được đường truyền trong nước bằng việc đưa tuyến cáp quang trục Bắc – Nam của mình vào hoạt động. Trước đó, tỷ suất LNTT của CMC Telecom thấp hơn, dao động ở trong khoảng 6%-9%, do phải thuê ngoài đường truyền.

Đối tượng khách hàng của khối Viễn thông là các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực Tài chính ngân hàng, và các doanh nghiệp FDI. Trước đây, CMC Telecom đã tiếp cận nhóm khách hàng cá nhân thông qua dịch vụ internet triển khai trên hạ tầng đường dây truyền hình cáp nhưng đã dừng do bị cạnh tranh gay gắt, dẫn tới hiệu quả kinh doanh không cao trong thời gian dài. Do tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nên thị phần tính theo theo số lượng thuê bao băng thông rộng cố định và doanh thu cung cấp DV băng thông rộng cố định của CMC Telecom là rất thấp.
 

Nền tảng hạ tầng viễn thông tiếp tục được nâng cao với trung tâm dữ liệu mới đi vào hoạt động:

Hạ tầng đường truyền kết nối mạng: CMC Telecom sở hữu hệ thống mạng đường trục backbone CVCS (Cross Vietnam Cable System), đang kết nối trực tiếp với 5 tuyến cáp biển quốc tế bao gồm A-Grid (tuyến cáp do Time dotcom – cổ đông chiến lược của CMC Telecom – sở hữu), AAE1, APG, Unity và Faster.

Hạ tầng trung tâm dữ liệu (DC): Trong tháng tám năm 2022, CMG đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu (DC) trong tổ hợp CMC Creative Space tại Tân Thuận, TPHCM, chủ yếu phục vụ các khách hàng lớn trong lĩnh vực Ngân hàng – Tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ OTT, các nhà cung cấp Cloud nước ngoài. Đây là DC có quy mô lớn nhất của CMG với diện tích sàn sử dụng 10.000 m và quy mô 1.200 tủ rack, bên cạnh hai DC hiện hữu tại Cầu Giáy, Hà Nội (quy mô 300 tủ rack), tại khu công nghệ cao, quận 9, TP. Hồ Chí Minh (quy mô 300 tủ rack). Tất cả các DC của CMG đều đạt tiêu chuẩn Uptime Tier III, một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá khả năng vận hành ổn định và liên tục của một DC (thời gian uptime lên đến 99,982%). Hiện tại, CMC Telecom là một trong bốn công ty trong nước cung cấp trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn Tier 3, bên cạnh VNPT VDC, FPT Telecom, và Viettel IDC.

Việc nâng cấp quy mô hạ tầng viễn thông với DC mới tại Tân Thuận sẽ giúp CMC Telecom nâng cao vị thế và năng lực cung cấp dịch vụ Điện toán đám mây (Cloud), tận dụng đà phát triển nhanh của thị trường này. Ngoài ra, việc sở hữu DC tại Việt Nam cũng là một lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ Cloud liên quan tới hạ tầng (Infrastructure-as-a-Service) so với các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, Microsoft hay Google. Điều này là bởi các doanh nghiệp nước ngoài không trực tiếp sở hữu data center tại Việt Nam, nghĩa là tất cả dữ liệu muốn được xử lý hoặc lưu trữ trên cloud của nước ngoài đều phải đi qua đường truyền quốc tế, khiến chi phí rất lớn nhưng đường truyền lại bị giới hạn.
Về biên lợi nhuận, biên LNTT của CMC Telecom khá thấp so với các doanh nghiệp viễn thông khác. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính nhiều khả năng là do CMC Telecom đưa ra mức giá dịch vụ có tính cạnh tranh cao với các đối thủ.

 

Tập trung cho dịch vụ Cloud nhiều tiềm năng củng cố tốc độ tăng trưởng:

Trong các nhóm dịch vụ chính của khối Viễn thông, CMG sẽ chú trọng đẩy mạnh nhóm dịch vụ Cloud (điện toán đám mây) trong những năm tới, hướng tới mục tiêu tỷ trọng 50% của khối Viễn thông. Chúng tôi cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của khối này khi mà xu hướng phát triển của thị trường Cloud tại Việt Nam là rất mạnh mẽ.
Trên thực tế, Cloud được coi là một nền tảng công nghệ rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bởi nhiều lợi ích về kinh tế mà nó mang lại. Về cơ bản, các dịch vụ Cloud cho phép các doanh nghiệp giải quyết được những nhu cầu về lưu trữ dữ liệu (mô hình Infratructrure-as-a- Service), phát triển ứng dụng (mô hình Platform-as-a-Service), sử dụng phầm mềm, ứng dụng (mô hình Software-as-a-Service) trên nền tảng cơ sở hạ tầng số (trung tâm dữ liệu) của các nhà cung cấp như Amazon, Microsoft, Google,... Chi phí sử dụng dịch vụ Cloud cũng sẽ được thanh toán theo phương thức “pay-as-you-go”, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ chỉ phải trả tiền cho những dịch vụ, dung lượng mình thực sự sử dụng, giúp tiết kiềm đáng kể nguồn tài nguyên so với việc đầu tư một hệ thống CNTT tại doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng / thu hẹp quy mô tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng tại từng thời điểm. Hơn nữa, bằng việc sử dụng Cloud, các doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh của mình do việc truy cập dữ liệu, hay sử dụng các ứng dụng ở mọi nơi chỉ cần có kết nối internet thay vì chỉ có thể sử dụng được tại doanh nghiệp, nơi đặt máy chủ, theo phương thức truyền thống.


Với những lợi ích kể trên và vai trò trung tâm của Cloud trong quá trình chuyển đổi số, quy mô thị trường Cloud được dự báo sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cao trong tương lai. IDC ước tính rằng chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ Cloud nói chung đạt 706 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tương ứng với tốc độ CAGR là 16,9%. Trong đó, thị trường public cloud (bao gồm các loại hình laaS, PaaS, SaaS) sẽ tiếp tục là động cơ tăng trưởng lớn nhất và tăng nhanh nhất trong toàn bộ thị trường đám mây. Chi tiêu tổng cộng cho các dịch vụ public cloud sẽ đạt 385 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 21% đến năm 2025, đạt 809 tỷ USD.


Việt Nam vẫn có cơ hội rất lớn để thúc đẩy các dịch vụ đám mây khi xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Trên thực tế, các cơ quan Chính phủ hay doanh nghiệp ngân hàng, tài chính, bảo hiểm tại Việt Nam, theo McKinsey, là những khối ngành đã có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, kéo theo sự tăng trưởng của các nền tảng Cloud và đồng thời khiến cho nhu cầu của hạ tầng CNTT vật lý tại chỗ (on- premise) sụt giảm. Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có những định hướng trong việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ Cloud: mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, và 70% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây nội địa.
 

Hiện nay, có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud tại Việt Nam, theo Viettel IDC, bao gồm (1) doanh nghiệp nước ngoài như là Amazon, Google, Microsoft và (2) bốn doanh nghiệp quy mô lớn trong nước như Viettel IDC, VNPT, CMC, FPT và (3) một số công ty khởi nghiệp cung cấp SaaS. Các nhà cung cấp dịch vụ Cloud nước ngoài đang dẫn đầu thị trường với gần 75% thị phần nhờ lợi thế về kinh nghiệm cũng như công nghệ lõi, trong đó Amazon Web Services (AWS) chiếm nhiều nhất với 33%, trong khi Google và Microsoft mỗi bên chiếm 21%. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam, một mặt, cũng là đối tác của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud nước ngoài và, mặt khác, cung cấp “local cloud” (Cloud nội địa) của riêng họ. Ví dụ như CMC Telecom hiện đang là Advanced Tier Services Partner của Amazon Web Service (AWS), Premier Partner của Google Cloud và Gold Partner của Microsoft, trong khi cũng tự phát triển nền tảng CMC Cloud.


Tương tự các nền tảng “local cloud” khác, CMC Cloud sẽ có những lợi thế so với các nhà cung cấp Cloud nước ngoài như (1) chi phí rẻ hơn do kết nối với đường truyền trong nước, (2) xử lý các sự cố nhanh chóng hơn, giảm tối đa độ trễ do kết nối với hạ tầng DC trong nước thay vì ở nước ngoài, (3) khả năng tư vấn hỗ trợ dịch vụ nhanh hơn. Quan trọng hơn là, nghị định 53/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022 hướng dẫn luật An ninh mạng cũng đã quy định rằng: Thông tin cá nhân người dùng dịch vụ;
Dữ liệu về mối quan hệ của người dùng dịch vụ; Dữ liệu do người dùng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải được lưu trữ trong nước. Do đó, vai trò của nền tảng “local cloud”, được hỗ trợ bởi nền tảng hạ tầng DC trong nước, sẽ trở nên ngày một quan trọng khi các DN “cloud hóa”. Điều này sẽ thúc đẩy xu hướng “multi-cloud” (kết hợp dịch vụ cloud của nhiều nhà cung cấp) và doanh số của CMC Cloud trong tương lai.
Với những xu hướng tiềm năng trên, chúng tôi cho rằng việc tập trung cho nhóm dịch vụ Cloud là một hướng đi đúng đắn của CMG và sẽ củng cố đáng kể cho tốc độ tăng trưởng của khối Viễn thông trong những năm sắp tới, kỳ vọng ở mức 20% trong những năm tới.


Khối kinh doanh quốc tế: Dư địa tăng trưởng dồi dào:

CMG thành lập khối kinh doanh quốc tế (KDQT) từ năm 2017, tiền thân là một bộ phận chuyên về phát triển, gia công phần mềm của khối Công nghệ & Giải pháp. Việc thành lập CMC global là bước đi chiến lược và thể hiện sự chú trọng hơn của CMG trong việc cung cấp các giải pháp phần mềm cho thị trường nước ngoài.
Với việc thành lập CMC Japan vào tháng 8/2017, Nhật Bản là thị trường đầu tiên mà CMC Global chọn để thâm nhập. Trong những năm tiếp theo, CMC Global cũng đã mở rộng sang các thị trường Singapre, Hàn Quốc, Úc và EU.
Vào thời gian đầu phát triển, các dịch vụ chính của CMC global đa phần bao gồm các dịch vụ truyền thống như gia công phần mềm (gồm Software development outsourcing và Business processing outsourcing), tích hợp hệ thống (System integration), testing. Sau đó, các dịch vụ liên quan tới chuyển đổi số sử dụng các công nghệ lõi như Al, Blockchain, Cloud, Big data, RPA cũng dần được triển khai. Đây đều là những công nghệ lõi quan trọng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, vốn được chú trọng phát triển trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây. Do đó, mặc dù khởi đầu muộn hơn so với doanh nghiệp lớn khác như FPT Sofware, chúng tôi cho rằng CMC Global cũng vẫn có những lợi thế của người đến sau khi vẫn có khả năng nhanh chóng bắt kịp các công nghệ mới phù hợp xu hướng chuyển đổi số hiện nay trên toàn cầu.
Việc liên tục mở rộng thị trường mới và tập khách hàng trong những năm qua, cộng với quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh trong hai năm đại dịch 2020-21 trên toàn cầu, đã giúp CMC Global có những tiến nhanh về mặt doanh số, tăng trưởng kép đạt 74% từ 2017-2021. Khối lượng công việc lớn hơn cũng giúp khối này tăng dần tính kinh tế theo quy mô và cải thiện được biên lợi nhuận (hình 9). Doanh thu năm tài chính 2021 của khối đạt gần 800 tỷ đồng, chiếm 12% tổng doanh thu CMG, và đóng góp hơn 100 tỷ đồng vào LNTT, chiếm tới 24% trong cơ cấu LNTT của tập đoàn.

 

CMG cũng chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực cho khối KDQT để đáp ứng khối lượng công việc tăng lên nhanh. Đặc biệt trong năm 2021, khối này tăng hơn gấp đôi lượng nhân sự của mình lên hơn 2.200 người khi CMC Global mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường mới như tại APAC và EU, chiếm gần một nửa tổng lượng nhân sự của toàn tập đoàn. Tốc độ tăng trưởng kép của lượng nhân sự trong giai đoạn 2017-2021 đạt 61%, thấp hơn mức 74% của tốc độ tăng trưởng kép doanh thu cùng thời kỳ. Mặc dù điều này hàm ý sự cải thiện trong hiệu suất doanh thu trên mỗi nhân viên, mức hiệu suất nhân viên của CMC Global thấp hơn khoảng 40% so với FPT Software. Nguyên nhân nhiều khả năng tới từ việc CMC Global vẫn đang cung cấp dịch vụ Tích hợp hệ thống, trong khi FPT Software chủ yếu cung cấp dịch vụ liên quan tới chuyển đổi số và, đặc biệt là, cả tư vấn chuyển đổi số (sau khi mua lại Intellinet vào năm 2018).

Về triển vọng của thị trường dịch vụ CNTT bao gồm xuất khẩu phần mềm, Gartner đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong năm 2022 xuống mức 4.2% YoY trong tháng Mười từ mức 7.9% từ dự báo hồi đầu năm 2022 (Hình 11), trong khi tốc độ tăng trưởng của năm 2023 được dự báo tăng trưởng quanh mức 8% trong bối cảnh các kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và lạm phát tăng nhanh. Điểm tích cực là thay vì cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ CNTT, trong đó có các giải pháp chuyển đổi số, các doanh nghiệp thường có xu hướng giãn tiến độ đầu tư nhiều hơn sang những năm sau, hàm ý rằng nhu cầu của thị trường dịch vụ CNTT là tương đối bền bỉ. Hơn nữa, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam như CMG, với các lợi thế sẵn có về chi phí lập trình viên cạnh tranh (Hình 12) và sở hữu kỹ năng về các công nghệ lõi mới, vẫn sẽ là một lựa chọn hấp dẫn cho các khách hàng doanh nghiệp quốc tế bối cảnh suy thoái kinh tế.

 

Ngoài ra, Việt Nam cũng có vị trí địa lý gần và múi giờ không chênh lệch nhiều với các quốc gia có nhu cầu về dịch vụ CNTT cao trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam nhanh chóng đáp ứng nhu cầu và giải quyết sự cố của khách hàng. Trên thực tế, CMG đã xây dựng hai trung tâm phát triển kinh doanh đặt tại Nhật và Singapore nhằm nhanh chóng hiện thực hóa tiềm năng của khu vực APAC. Điều này, cùng với thực tế rằng hoạt động xuất khẩu phần mềm của CMG vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, khiến chúng tôi tin rằng dư địa để tăng trưởng của khối KDQT vẫn còn khá dồi dào. Chúng tôi kỳ vọng khối này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và LNTT vào khoảng 30%-40% trong 3 năm tới.

 

Nguyễn Chí Hiếu

Tags:

 
TRẢI NGHIỆM MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CỦA FAVIZ NGAY HÔM NAY
Đăng ký trải nghiệm